T5. Th9 21st, 2023
0 0 đánh giá
Article Rating

Trading…

… một trò chơi của cảm xúc, vậy chúng ta đi kiểm soát cái gì trong này. Kiểm soát tiền của mình chăng? … No,

Trong quá trình chúng ta đưa ra một quyết định, mà đặc biệt là các quyết định liên quan đến tiền bạc và tài sản của bản thân thì sự thận trọng cũng như tâm lý lo âu, lo sợ mất tiền chắc chắn sẽ vẫn còn ngự trị trong tâm trí của bản thân chúng ta.
Đương nhiên rồi, vì “đồng tiền đi liền khúc ruột” mà, cổ nhân xưa đúc kết lại rằng tiền bạc là thứ gắn bó với chúng ta, nó là nguồn gốc của mọi phiền não chăng?

Trong Phật giáo, phiền não của con người gói gọn trong 12 chữ: BUÔNG KHÔNG ĐÀNH – NGHĨ KHÔNG THÔNG – NHÌN KHÔNG THẤU – QUÊN KHÔNG ĐƯỢC
Là xuất phát từ chính bản thân chúng ta, những rối ren đó bắt nguồn từ chính những điều mong cầu hàng ngày mà chúng ta chưa đạt được. Cái sự mong cầu đó tạo ra một cảm giác hụt hẫng, muốn có được hay là muốn chinh phục. Chúng ta luôn khát khao có được những điều mà hiện tại chưa có, hoặc có rồi nhưng chưa thoả mãn được bản thân, sẽ khiến chúng ta tìm cách để có được, và cái vòng luẩn quẩn này sẽ khiến cho tâm trí chúng ta rối bời.
Trong bài pháp đầu tiên của đức Phật – Tứ đế, ngài có nhắc đến đầu tiên là Khổ đế. Đã sống trên đời không ai chối cãi được cái khổ. Sinh ra đã là nỗi khổ nên phản xạ chào thế giới đầu tiên là khóc, bệnh tật, đói khát, lo mất địa vị, sợ bị ăn hiếp, sợ không thể giàu sang phú quý… tất cả đều là khổ đau bám víu con người ta, không trừ một cuộc sống nào.
Chung quy lại, đức Phật đã chỉ ra 4 tướng khổ của đời người. Một là sinh khổ. Hai là già khổ. Ba là bệnh khổ. Bốn là chết khổ. Vậy khổ đau từ đâu mà thành?
Và xuất phát của những điều khổ hạnh lại chính là nằm trong bản ngã của chúng ta:

Tham, sân, si, mạn, nghi: Cội rễ của khổ đau

Phật dạy, khổ không tự nhiên mà thành. Nỗi khổ đau của con người xuất phát từ tập nhân sanh. Tập nhân là tất cả những phiền não tự thân trong mỗi cá nhân hình thành, đó là tham, sân, si, mạn, nghi…
Bản thân “phiền não” là tâm lý phiền muộn, là xác thân khổ não, là khổ đau. Tham – sân – si – mạn – nghi được coi là gốc rễ khởi sinh phiền não. Trong đó, tham, sân, si còn được quy vào “tam độc phiền não” mà ai ai cũng có.
Tham là biểu hiện của tâm mong cầu, sở hữu và chiếm hữu… Tham khi chưa đạt được điều mình có và tham khi chúng ta đạt được rồi nhưng vẫn muốn được nhiều hơn… Tham chính là nguồn gốc của những suy nghĩ về sự sân hận, si mê, và cũng là nguồn gốc của sự ngạo mạn dẫn đến những sự nghi ngờ. Nghi ngờ về chính bản thân, về những sự vật, con người chúng ta giao tiếp hàng ngày…

Khi ứng dụng vào kinh doanh hay gói gọn hơn vào công việc trading của một trader hàng ngày: Tham biểu hiện ở chính các giao dịch mà chúng ta thực hiện.

Các bạn có bao giờ để ý khi chúng ta mới tìm hiểu trading, chúng ta đều có những suy nghĩ rằng mình sẽ dành chiến thắng, tìm kiếm được những nguồn lợi nhuận thật nhiều từ thị trường. Đó chính là chúng ta đang tham, lòng tham thôi thúc chúng ta thực hiện nhiều giao dịch hơn, gia tăng khối lượng giao dịch hơn và thậm chí chúng ta sẽ sẵn sàng gia tăng tỷ lệ đòn bẩy để nghĩ rằng trong một lần may mắn sẽ kiếm được số tiền nhiều hơn và nhanh hơn.
Chắc rằng không ít anh chị là Trader đều đã được học qua rất nhiều sách báo chỉ ra rằng khi giao dịch chúng ta phải quản lý vốn, phải kiểm soát lòng tham … nhưng đó chỉ là phần ngọn của vấn đề mà tôi đề cập trong bài viết này.
Trước khi chúng ta thực hiện giao dich, điều gì thôi thúc chúng ta? Có phải là kỳ vọng rằng sẽ kiếm ra lợi nhuận đúng không nào, có phải là chúng ta tin tưởng vào bản thân ở những quyết định của mình…
Chính xác, là khi chúng ta tự tin vào những quyết định của bản thân, lúc đó tiềm thức của chúng ta thôi thúc bản thân hành động. Hành động nhanh hơn và có thể rằng khi các giao dịch của chúng ta may mắn đi theo đúng kỳ vọng, lúc này sẽ phát sinh ra lòng tham, chúng ta mong muốn và tham lam hơn khi nghĩ rằng mình đang đúng, mình mong muốn gia tăng thêm khối lượng, gia tăng thêm các giao dịch với ý nghĩ rằng sẽ gia tăng được lợi nhuận nhanh nhất.

Warrent Buffett nói rằng: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và hãy sợ hãi khi người khác tham lam”


Ẩn ý của câu nói này là biết dừng đúng lúc và biết tham đúng thời điểm, nhưng người khác ở đây là ai, là đám đông. Là nhiều người xung quanh chúng ta, chúng ta có thể biết họ là ai không? chắc chắn là không rồi. Bởi vì thị trường tài chính được cấu thành bởi vô số các NĐT, các tổ chức, các quỹ … tạo nên thanh khoản cho thị trường. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đọc vị được người ta sợ hãi và tham lam lúc nào…

Có không ít các anh tài đã dành rất nhiều thời gian để đi tìm các điểm cực của thị trường bằng rất nhiều phương pháp và cuối cùng họ đều không thể tìm ra được “bí kíp võ lâm”, bởi vì làm gì có một ai và một công cụ nào có thể đoán biết được những con người khác thông qua cái màn hình đang nghĩ gì và làm gì…
Việc chúng ta cần làm là điều chỉnh lại những ảo mộng, mong muốn của bản thân, nói đúng hơn chúng ta cần biết vị trí và năng lực của bản thân mình để đặt kỳ vọng cho đúng chỗ, đúng thời điểm và đúng khả năng.

An nhiên với những lựa chọn của mình…
Bước tiếp theo sau khi chúng ta giải quyết được vấn đề lòng tham của bản thân, chúng ta biết được mình đang muốn điều gì và như thế nào là vừa tầm với bản thân. Từ đó chúng ta bước vào cuộc chơi với một tâm thái an nhiên, tự tại. Như câu nói của Đức Phật: Biết đủ là an nhiên…
Tâm thái quyết định kết quả, tức là mình bước chân vào Trading với một tâm thái bằng mọi giá phải thắng thì nó sẽ mang đến cho chúng ta nhiều phiền não và áp lực, áp lực vô hình đó khiến chúng ta tìm đủ mọi cách, thậm chí chúng ta lao vào thị trường như một con thiêu thân để mới mong muốn rằng càng cố gắng chúng ta sẽ càng kiếm được nhiều tiền hơn…

Nhưng…
Trong bất giác khi các áp lực vô hình đó là trở ngại để chúng ta ngẫm lại rằng, càng mong cầu một điều ở vọng tưởng sẽ càng khiến tâm trí chúng ta mệt mỏi hơn, hành động của chúng ta lúc đó liệu có còn được sáng suốt và minh mẫn nữa hay không.
Khi tâm mình bình an, tĩnh lặng và xác định được các giới hạn của bản thân rồi chúng ta sẽ cảm thấy rằng các giao dịch của mình thắng hay thua không phải là nằm ở những kiến thức, phân tích… vì nó là vận động thị trường được kiến tạo bởi vô số các quyết định diên ra liên tục trong từng khoảng thời gian mỗi ngày…
Quy luật vận động của thị trường là thứ vô hình, ở một thái cực mà bản thân con người chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm, kiến thức để đoán định. Và vì đó nên chúng ta không cần phải mất quá nhiều thời gian để đi tìm kiếm những thứ không khả thi, hay là không thể tìm ra được bí kíp, chén thánh trong thị trường tài chính đầy khốc liệt này…
Kiểm soát bản thân là điều cần có, sẽ cần rất nhiều trải nghiệm thực tế mà mỗi một trader cần trải qua. Bản thân tôi cũng từng thua, từng cháy tài khoản, từng chứng kiến rất nhiều anh em trader đã mất rất nhiều tiền vì thị trường này…
Cuối cùng, hiểu mình chính là điều mà chúng ta cần tĩnh lặng để nhìn thấu bản ngã, hiểu mình đang muốn điều gì, hiểu mình đang thiếu điều gì và cần bổ sung điều gì…

….
Hành trình trở thành Trader có lợi nhuận ổn định là một hành trình rất dài, kính chúc anh em Trader sẽ vững niềm tin và có được kết quả mong muốn.
Tiếp theo chúng ta đi vào trải nghiệm theo từng cung bậc cảm xúc trên thị trường…

Ngọc Hải Pearlie

By admin

"Trading là cả một chuỗi ngày dài học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ chính những sai lầm của bản thân"

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x